Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam sẽ tạo đột phá trong tuyển dụng lao động
Với Quyết định số 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/10 hàng năm đã trở thành Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Đây là sự kiện đặc biệt với nguồn nhân lực lao động kỹ năng nói riêng và lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói riêng khi mà giá trị của kỹ năng lao động được ghi nhận, được khẳng định và tôn vinh.
Đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong nước
Nhìn lại lịch sử, ngày 4/10 đã gắn với 2 bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên “Báo Cứu quốc” số 45 ngày 4/10/1945 là: “Chống nạn thất học” và “Thiếu óc tổ chức – một khuyết điểm lớn trong các ủy ban nhân dân”. Các bài viết này tuy không đề cập trực tiếp đến vấn đề kỹ năng lao động nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra yêu cầu nền tảng đối với việc hình thành kỹ năng đó là dân trí và phương pháp làm việc.
Ngày 4/10 cũng gần với ngày 9/10/1969 là ngày kỷ niệm thành lập Tổng cục Đào tạo công nhân kỹ thuật thuộc Bộ Lao động, nay là Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Ngày 4/10 còn gần với ngày sinh của Lý Triều Quốc sư – Thiền sư Nguyễn Minh Không (sinh ngày 14/10/1065) là ông tổ của nghề đúc đồng và nghề đông y của Việt Nam, phù hợp với truyền thống uống nước nhớ nguồn trong văn hóa Việt Nam.
Hiện nay, với xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, cũng như tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, yêu cầu về nâng tầm kỹ năng lao động đang trở nên hết sức cần thiết đối với mọi quốc gia.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), “việc nâng tầm kỹ năng lao động sẽ làm gia tăng chất lượng và hiệu quả lao động, là nhân tố hết sức quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế – xã hội”.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Số liệu của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến quý II năm 2019, lực lượng lao động Việt Nam từ 15 tuổi trở lên của cả nước là 55,46 triệu người (chiếm hơn một nửa dân số với tỷ lệ 57,65%). Trong đó, lực lượng lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chiếm 22,37% (lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 10,82%, cao đẳng chiếm 3,82%, trung cấp chiếm 4,65%, sơ cấp chiếm 3,08% trong tổng lực lượng lao động).
Những con số thống kê cho thấy lực lượng lao động Việt Nam khá dồi dào, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tỷ lệ quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong bối cảnh hiện tại và cũng như trong tương lai.
Do đó, với lợi thế là quốc gia đang ở giai đoạn dân số vàng, việc nâng tầm kỹ năng cho người lao động về cả số lượng và chất lượng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Trên cơ sở đó, thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế – xã hội để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình vào năm 2030, hướng đến năm 2045 đưa nước ta trở thành nước phát triển hoặc nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phù hợp xu thế hội nhập quốc tế
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều quốc gia trên thế giới ngày càng quan tâm đến đề cao vai trò, tôn vinh người lao động có kỹ năng, đặc biệt là lao động trẻ. Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Nghị quyết chọn ngày 15/7 là Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới kể từ năm 2014.
Hằng năm một số nước trên thế giới tổ chức ngày Kỹ năng quốc gia và tuần lễ kỹ năng quốc gia như nước Úc tổ chức Tuần lễ Kỹ năng quốc gia (National Skills Week), nước Anh tổ chức Ngày Kỹ năng quốc gia (National Skills Day). Đồng thời, vấn đề nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động cũng được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xác định là vấn đề cấp thiết mang tính toàn cầu, là một trong trụ cột quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội của mọi quốc gia trên thế giới.
Việt Nam đã tham gia Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới (WorldSkills International), với 84 tổ chức thành viên từ trên 60 quốc gia, trong đó có nhiều nước phát triển.
Từ năm 2015 đến nay, Tổ chức Kỹ năng nghề thế giới đã khuyến nghị các quốc gia chú trọng phát triển kỹ năng cho người lao động thông qua nhiều hình thức, trong đó khuyến khích tổ chức các hoạt động và sự kiện để kỷ niệm Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới.
Vai trò, giá trị của lực lượng lao động và trình độ kỹ năng của người lao động đã được Tổ chức này công nhận thể hiện qua các thông điệp sau: “Kỹ năng của chúng ta, tương lai của chúng ta” và “Kỹ năng lao động mang đến giá trị đích thực”.
Do đó, theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, việc có “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam” là hết sức cần thiết vừa để hội nhập với xu thế tôn vinh người lao động có kỹ năng của các nước trên thế giới, đồng thời thúc đẩy nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vai trò, giá trị của người lao động Việt Nam có kỹ năng trong tình hình mới.
Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam theo đó sẽ góp phần khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời dựa vào kỹ năng để nâng cao trình độ của học sinh, sinh viên và người lao động; tôn vinh và nâng cao vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, đặc biệt là người lao động có kỹ năng nghề xuất sắc.
Thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Đồng thời góp phần quan trọng vào việc triển khai thực hiện chủ trương, quan điểm của Ban Bí thư về phát triển kỹ năng lao động: “Đối với giáo dục nghề nghiệp, tập trung đào tạo nhân lực có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp”; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao…
Tạo đột phá trong tuyển dụng, đào tạo lao động
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam sẽ nhắc nhở các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kỹ năng cho người lao động: “các Bộ, ngành, doanh nghiệp sớm từ bỏ tư duy tuyển dụng dựa vào bằng cấp, chuyển sang cơ chế tuyển dụng theo kỹ năng, kỹ nghệ, có như thế mới mong tìm được người tài, người giỏi”.
Điều này sẽ tạo nên sự đột phá trong tuyển dụng, đào tạo người lao động góp phần nhanh chóng cải thiện chất lượng nhân lực.
Theo Nghề nghiệp và Cuộc sống