Khai thác tài nguyên giáo dục mở: Vượt khó khăn, biến công nghệ thành cơ hội

Trước bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động nghiêm trọng tới hệ thống GDNN, trong hai ngày 29 – 30/7, Hội GDNN TP.HCM đã tổ chức buổi tập huấn chuyên đề trực tuyến với chủ đề: “Khai thác Tài nguyên giáo dục mở” khoá 1, với mục đích mở ra cơ hội tiếp cận của giáo viên, học sinh hệ thống GDNN với nguồn học liệu đa dạng, phong phú, mọi lúc, mọi nơi thông qua việc khai thác nguồn tài nguyên giáo dục mở…

Chiến lược để nâng cao chất lượng đào tạo

Buổi tập huấn trực tuyến có sự tham dự của thầy Dương Nam – Tổng Thư ký Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP HCM và thầy Lê Trung Nghĩa- chuyên gia Tài nguyên mở, cùng hơn 200 giảng viên đến từ 15 trường cao đẳng, trung cấp là thành viên của Hội GDNN TP HCM. Nội dung được tập huấn bao gồm các nguồn tài nguyên liên quan đến giáo dục mở, dưới sự hướng dẫn của thầy Lê Trung Nghĩa.

Ảnh minh hoạ. Số hoá bài giảng sẽ là xu hướng trong đào tạo, dạy nghề.

Thầy Hoàng Quốc Long – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, Phó chủ tịch Hội GDNN TP HCM, Trưởng ban đào tạo cho biết: “Chương trình tập huấn  này vừa đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong bối cảnh dịch bệnh Covid- 19, vừa thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Đây là vấn đề cấp bách cần được thay đổi kịp thời nhằm duy trì hoạt động giáo dục đào tạo, đồng thời nâng cao chất lượng giảng dạy hiện nay”.

Cũng theo thầy Long, thực tế GDNN chưa bao giờ hết khó khăn do phải cạnh tranh mạnh mẽ với hệ đại học, khi cánh cửa vào đại học hiện khá dễ dàng khiến việc tuyển sinh của các cơ sở GDNN vốn dsax khó càng khó hơn.

Vì vậy để tồn tại, GDNN phải cạnh tranh bằng chất lượng giảng dạy đồng thời giải quyết tốt việc làm sau tốt nghiệp cho học sinh. Điều đó đòi hỏi các cơ sở GDNN phải có hướng đi chiến lược hơn.

Tương lai là những giảng viên trong hệ thống GDNN phải thích ứng, duy trì phương pháp giảng dạy tích hợp giữa lý thuyết và thực hành, giữa nguyên lý và kỹ năng… Nếu dạy trực tuyến mà tích hợp được với không gian mạng, cùng hàng loạt các yếu tố khác để phân luồng, tuyển sinh nhằm đạt kết quả tối ưu. Đặc biệt, kỹ năng thực hành rất quan trọng đối với GDNN, nên trước khi học sinh được thực hành thật, mô hình học liệu thực hành trên nền tảng công nghệ thực hành ảo sẽ giúp giảng viên, học sinh tiếp cận dễ dàng và hứng thú.

Biến công nghệ thành cơ hội

Theo ông Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, với vai trò chủ trì tại chương trình tập huấn khoá 1 và các khoá tiếp theo về Khai thác tài nguyên giáo dục mở, Hội GDNN TPHCM sẽ giúp các cơ sở GDNN hội viên “vượt nguy nan, biến công nghệ thành cơ hội” bằng cách  đảm bảo duy trì tốt việc học lý thuyết và các kỹ năng thực hành cho người học thông qua hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin, để giữ vững mục tiêu về phân luồng, tuyển sinh và đào tạo.

Dạy học online sẽ là xu hướng của tương lai

Đồng quản điểm, thầy Lâm Văn Quản – Chủ tịch Hội GDNN TP HCM cho rằng: Tài nguyên giáo dục mở là một trong những xu hướng tất yếu và được khuyến khích bởi nhiều chuyên gia để bắt kịp với sự phát triển của công nghệ thế giới.

Tài nguyên giáo dục mở được gắn với số hóa nội dung xây dựng giáo án, bài giảng lý thuyết, thực hành rất kỹ càng. Tài nguyên giáo dục mở không chỉ áp dụng trong việc giảng dạy mà còn có thể tư vấn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, vì nó hoàn toàn có thể ứng dụng trong đời sống sản xuất để phát triển kinh tế.

Thầy Quản nhấn mạnh: Việc tiếp cận tài nguyên giáo dục mở có thể nâng cao vị thế của của giáo viên và cơ sở GDNN. Công nghệ cũng sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở GDNN gắn kết với các doanh nghiệp hơn. Buổi tập huấn khó lần này với sự góp mặt của hơn 200 giảng viên sẽ là sự mở đầu cho mối quan tâm lớn đến phương thức tiếp cận công nghệ này.

Ông Lâm Văn Quản cũng bày tỏ hy vọng, những buổi tập huấn khóa sau sẽ thu hút được nhiều thành viên tham dự hơn nữa để có thể ứng dụng ngay vào thực tế hoạt động của đơn vị mình.

Một nhóm câu lạc bộ quy tụ các thành viên đã, đang và sẽ tham dự những khoá tập huấn này sẽ được thành lập, nhằm gắn bó, trao đổi những kinh nghiệm, kiến thức được tập huấn vào thực tiễn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *